Lý do trẻ thừa cân, béo phì dễ chuyển nặng khi mắc COVID-19

author 19:37 08/04/2022

(VietQ.vn) - Trẻ em mắc COVID-19 dù chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 4,9%, tuy nhiên, trẻ em béo phì, hay có bệnh nền lại đang ở nguy cơ dễ chuyển nặng nếu mắc COVID-19.

Bé Lê Cẩm T, 8 tuổi, cao 130cm, cân nặng 48 kg nhập viện vì xét nghiệm COVID-19 nhanh, kết quả hai vạch, vạch dưới đậm rất rõ ràng. Gia đình muốn để bé điều trị tại nhà nhưng bác sỹ trạm y tế không đồng ý. Mẹ bé chần chừ không muốn cho bé đi, vì thấy bé không có triệu chứng nặng. Cuối cùng bác sĩ giải thích, bé mới 8 tuổi mà nặng 48kg, chỉ số BMI là 28, tức bé gần bị béo phì, thuộc nhóm nguy cơ cao, có thể có biến chứng nặng, phải nhập viện theo dõi và điều trị. Mẹ của T không hiểu tại sao béo phì lại có nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19?

Giải đáp thắc mắc trên, GS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Phó chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam cho biết, trẻ em bị mắc béo phì sẽ gia tăng nguy cơ chuyển nặng khi mắc COVID-19. Một trong đó là số lượng tế bào mỡ của trẻ em béo phì quá nhiều, tạo cơ hội cho virus xâm nhập sâu trong các cơ quan nội tạng.

Virus SARS-CoV-2 muốn xâm nhập vào phổi, tim, đường tiêu hóa… cần men (thụ thể) ACE của con người. Men ACE được xem là chìa khóa để virus tiến sâu vào cơ thể. Ở người béo phì, các tế bào mỡ chứa rất nhiều men này, tạo điều kiện cho virus xâm nhập tới các cơ quan như phổi, tim, thận, máu…

 Nhiều trẻ thừa cân, béo phì chuyển nặng khi mắc COVID-19

Bên cạnh đó, trẻ béo phì vốn có thể trạng không hoàn toàn khỏe mạnh nên khi virus vào đến cơ quan nội tạng, trẻ dễ bị tổn thương hơn người bình thường, dễ gây suy hô hấp, viêm phổi...

Qua đánh giá ban đầu, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 và trở nặng cũng rất thấp, chủ yếu ở nhóm nguy cơ cao như bị béo phì, bệnh nền khác…

Tương tự người lớn, trẻ có thể gặp các vấn đề như ho, mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, mất tập trung, rối loạn cảm xúc, giảm trí nhớ… Để biết chính xác, khoảng 1-2 tháng sau khi trẻ khỏi COVID-19, căn cứ vào thể trạng sức khỏe của con, phụ huynh có thể cho con tới khám, kiểm tra chức năng phổi, tim, gan…

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh là phụ huynh có con bị béo phì cần giúp con giảm cân. Bởi khi dịch COVID-19 qua đi, trẻ tiếp tục béo phì vẫn sẽ có rất nhiều nguy cơ trở nặng khi mắc các bệnh khác. Chúng ta cần thay đổi lối sống của trẻ, điều chỉnh bữa ăn cân đối, khoa học, không ăn đồ ăn nhanh, chiên, rán, bán sẵn, tích cực tập luyện, vận động. Việc giảm béo phì cho trẻ không dễ, gia đình cần kiên trì bởi thời gian có thể tính bằng năm...

Theo thông tin báo chí đăng tải, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh từng có khoảng 3.000 bệnh nhi điều trị COVID-19. Trong đó có khoảng 10% trẻ chuyển nặng. Do đó các bác sĩ đề nghị các phụ huynh cần chú ý tình trạng của bé có thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền khi mắc COVID-19.

Với các trẻ thừa cân, bệnh nền mắc COVID-19, các y bác sĩ đòi hỏi phải theo dõi sát sao trong 7 giờ đầu tiên, bởi trẻ có thể diễn tiến nặng, suy hô hấp nhanh chóng. Do đó bác sĩ lưu ý các phụ huynh cần chú ý khi gia đình có trẻ em mắc COVID-19 để phối hợp cứu chữa cho trẻ.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi gia đình có trẻ béo phì, các bậc phụ huynh cần bảo vệ bé giảm thiểu rủi ro mắc bệnh COVID-19 bằng cách tiêm ngừa đầy đủ cho bé trong độ tuổi ngành y tế cho phép tiêm, nhất là tiêm mũi tăng cường sau mũi cuối cùng ba tháng.

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy nhóm tiêm ngừa không đủ hoặc không tiêm có nguy cơ mắc bệnh tăng 6 lần, tử vong tăng 14 lần, nhập viện tăng gấp 9 lần so với nhóm tiêm ngừa đầy đủ. Cùng với tiêm ngừa, bé phải thực hiện 5k thật tốt. Nếu chẳng may bé bị FO phải báo ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, điều trị đúng, ngăn chặn được các biến chứng nguy hiểm. Phòng ngừa trẻ béo phì là phòng ngừa từ xa các biến chứng nặng của COVID-19, do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu dư mỡ bụng thì cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn sớm.

 An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang